Xếp hạng điểm đến tốt nhất cho chuyên gia nước ngoài: Việt Nam tăng 4 bậc

07/11/2018 9:19 AM

(Chinhphu.vn) - Theo Khảo sát Chuyên gia nước ngoài (Expat Explorer) do HSBC vừa công bố, Việt Nam đã tăng 4 bậc trong bảng tổng sắp “ Nơi sinh sống và làm việc tốt nhất dành cho chuyên gia nước ngoài” năm 2018, lên vị trí thứ 19 trên tổng số 163 quốc gia và vùng lãnh thổ có mặt trong khảo sát - và xếp thứ 2 ở Asean (chỉ sau Singapore).

Với hơn 22.000 chuyên gia nước ngoài đang làm việc trên khắp toàn cầu tham gia trả lời, Việt Nam được cho là điểm đến đứng đầu thế giới về khả năng giúp chuyên gia nước ngoài có thu nhập khả dụng cao hơn (72% đồng ý), đồng thời tiết kiệm được nhiều hơn so với khi làm việc ở quê nhà (72% đồng tình). Hai kết quả này đều cao hơn hẳn mức trung bình toàn cầu (56% cho thu nhập khả dụng; 52% cho tiết kiệm).

Vì vậy, dù thu nhập trung bình cho một người nước ngoài tại Việt Nam chỉ khoảng 90.000 USD/năm (thấp hơn rất nhiều môi trường khác) nhưng ít chuyên gia nước ngoài tại Việt Nam lo ngại về vấn đề tài chính so với khi làm việc ở những nơi khác trên thế giới nhờ chi phí sinh hoạt hợp lý và những khoản trợ cấp tốt từ các nhà tuyển dụng.

Theo đó, đa số người nước ngoài làm việc ở Việt Nam nhận được nhiều ưu đãi cộng thêm trong hợp đồng lao động như: trợ cấp y tế và chăm sóc sức khỏe, trợ cấp thăm nhà hoặc vé máy bay, thậm chí là trợ cấp chỗ ở.

Có gần 40% chuyên gia nước ngoài tin rằng làm việc tại Việt Nam ít căng thẳng hơn so với ở quê nhà. Hơn một nửa số chuyên gia nước ngoài ở Việt Nam cho biết đã có nhiều kỳ nghỉ hơn, nơi ở tiện nghi hơn... Nhiều chuyên gia cũng đồng tình rằng làm việc ăn ý với đồng nghiệp Việt Nam nơi công sở cũng đồng nghĩa ăn ý ở các khía cạnh khác của cuộc sống. Có lẽ vì vậy nên có tới 92% người nước ngoài cảm thấy rất vui vẻ khi làm việc ở Việt Nam so với tại quê hương.

Theo nhận định của nhà khảo sát HSBC, kết quả từ cuộc khảo sát Expat Explorer năm nay cho thấy Việt Nam là nước chủ nhà đầy hứa hẹn cho những chuyên gia nước ngoài muốn tìm kiếm cơ hội và thách thức để phát triển sự nghiệp.

Tất nhiên, vẫn có những mối quan ngại mà giới chuyên gia trải qua khi làm việc tại nước ngoài. Dù vậy, ở phương diện này, vẫn có đến hai phần ba (66%) chuyên gia nước ngoài nói rằng cảm thấy rất tự tin về nền kinh tế Việt Nam, trong khi tỷ lệ trung bình của toàn cầu chỉ là 50%.

Liên quan đến an sinh tài chính, những điểm quan ngại lớn nhất của người nước ngoài khi sinh sống và làm việc tại Việt Nam là các quy định về hạn chế dịch chuyển tài chính xuyên quốc gia (37%), ảnh hưởng từ bất ổn kinh tế toàn cầu (24%) và tỷ giá hối đoái ít thuận lợi (22%).

Việt Nam cũng nhận được một số phản hồi chưa thuận lợi về trải nghiệm cuộc sống, gia đình, dịch vụ y tế và hưởng thụ văn hóa.

Phương Hiền

Top