‘Quản lý công viên, cây xanh tại TPHCM rất lạc hậu, cần thay đổi’

14/08/2019 6:00 PM

(Chinhphu.vn) - Mặc dù có nhiều cái khó, nhưng để TPHCM trở thành một đô thị phát triển không thể chấp nhận tiếp diễn tình trạng công viên, cây xanh như hiện tại mà đã đến lúc phải thay đổi.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: VGP/Thu Lê

Đây là khẳng định của Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Thiện Nhân tại Hội thảo quốc tế “Định hướng quy hoạch và phát triển cây xanh, công viên và chiếu sáng các quận nội thành giai đoạn 2019 - 2025”, ngày 14/8.

Phát biểu tại Hội thảo, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân cho biết, tại Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng, các công viên công cộng nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu là công viên đa chức năng, dẫn đến hiệu quả khai thác, phục vụ chưa cao, chủ yếu sử dụng cho các hoạt động thể dục thể thao, dạo ngắm thông thường. 

TPHCM hiện có tốc độ đô thị hóa và tỷ lệ tăng dân số ở mức cao, các quỹ đất trống hầu như không còn nhiều. Thành phố hiện có khoảng 13 triệu dân. Trong khi đó, tốc độ triển khai thực hiện các khu cây xanh tập trung quy mô lớn còn rất chậm so với tốc độ gia tăng dân số. 

Theo đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2025, tổng diện tích cây xanh theo quy hoạch được duyệt trên toàn Thành phố khoảng 6.259 ha, tương ứng với chỉ tiêu quy hoạch đất cây xanh khoảng 6,3m2/người, trong khi thực tế hiện nay, chỉ tiêu cây xanh công cộng chỉ đạt mức bình quân là 1,6m2/người (bằng 1/10 so với tiêu chuẩn chung của một thành phố hiện đại, văn minh), thấp xa so với quy hoạch được phê duyệt.

Tuy vậy, việc phát triển, quản lý quy hoạch cây xanh công cộng tập trung quy mô lớn vẫn phải phụ thuộc vào nguồn ngân sách của Thành phố.

“TPHCM hiện chỉ có 102.000 cây có số, có địa chỉ, tương ứng với 13 triệu dân. Trong khi Singapore dù có diện tích chỉ bằng 1/3, dân số hơn 1/2 nhưng có 2 triệu cây xanh, điều này thể hiện việc quản lý, phát triển cây xanh, công viên của chúng ta đang hết sức lạc hậu”, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Do đó, theo Bí thư Thành uỷ TPHCM, dù có nhiều cái khó, nhưng để trở thành một đô thị phát triển không thể chấp nhận tiếp diễn tình trạng công viên, cây xanh như hiện tại mà đã đến lúc phải thay đổi. 

Đối với chiếu sáng đô thị, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho biết, Thành phố đã có nhiều toà nhà đẹp để chiếu sáng nhưng cả Thành phố thì chưa có đề án chiếu sáng chung. Trong khi chiếu sáng công cộng hiện nay không chỉ nhằm vào mục đích bảo đảm an toàn giao thông, an ninh đô thị mà nó còn phải đáp ứng các giá trị về thẩm mỹ, thỏa mãn về thị giác, làm tôn lên hình ảnh của đô thị.

“TPHCM đang từng bước có sự đổi mới, nâng cấp các trang thiết bị và công nghệ quản lý chiếu sáng nhằm quản lý chiếu sáng trong đô thị hiệu quả hơn, song cũng cần sự quan tâm hơn nữa của các cơ quan liên quan trong việc xây dựng quy hoạch chiếu sáng riêng cho Thành phố”, Bí thư Nguyễn Thiện chia sẻ. 

Công viên, cây xanh, hệ thống chiếu sáng đều cần quy hoạch

Ông Frederic Auclair, Chủ tịch Almatoya Architecture cho biết, đối với hệ thống chiếu sáng, câu hỏi đặt ra cho TPHCM là Thành phố đang muốn làm sáng bừng lên toà nhà, trung tâm nào trong số rất nhiều toà nhà có tính biểu tượng vào ban đêm và với mục đích gì, bao giờ bật sáng, dùng nguồn kinh phí nào và làm sao để đạt hiệu quả mà vẫn tiết kiệm năng lượng và chi phí. Muốn vậy, trước tiên có quy hoạch đô thị và quy hoạch chiếu sáng như một bản đồ chỉ dẫn. 

Theo ông Derek Wee, Quản lý Công viên Garden by The Bay Singapore, muốn phát triển cây xanh, công viên và hệ thống chiếu sáng tại Thành phố, một trong những điều đầu tiên cần làm là xác định tầm nhìn, từ đó lập quy hoạch cụ thể, sau đó thiết kế hệ thống đáp ứng tầm nhìn và quy hoạch này. Việc tiếp theo là lựa chọn nhà thầu để thực hiện đúng cách để có hệ thống tốt và thực hiện bảo dưỡng bảo trì liên tục, đồng thời với việc huấn luyện, đào tạo nguồn nhân lực.

Theo Sở Xây dựng TPHCM, diện tích đất công viên khu vực nội thành cũ gồm 13 quận là hơn 273 ha, chiếm tỉ lệ hơn 55%; khu vực 6 quận mới là 172 ha, chiếm 35%; khu vực 5 huyện chỉ có 42ha, chiếm chưa tới 10%. Ảnh minh họa

Cũng cho rằng tầm nhìn và quy hoạch tổng thể là yếu tố tối quan trọng, ông Chuah Hock Seong, thành viên Ban Giám đốc National Park Singapore cho biết, ở Singapore mục đích sử dụng của từng miếng đất đều được thể hiện trong quy hoạch… và do cơ quan phát triển đô thị quản lý.

“Quy hoạch công viên không phải như bữa tráng miệng mà là một phần của bữa chính, là cách tiếp cận của Chính phủ Singapore”, từ đó, Singapore đã thành lập Uỷ ban hành động để biến Singapore thành “thành phố khu vườn”, bất kỳ sở, ngành, cơ quan nào liên quan đến sử dụng đất đai đều được mời tham gia, cùng nhau lên công thức để tăng cường các mảng xanh, cùng đóng góp và chịu trách nhiệm.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng Singapore hay nhiều thành phố “xanh” khác trên thế giới là những ví dụ điển hình mà TPHCM cần học hỏi, tuy nhiên không thể “sao chép” nguyên mẫu mà phải tiếp cận từng bước, có chọn lọc.

Ông Derek Wee nhận định, TPHCM có những bản sắc riêng, nên xây dựng các công trình xanh phù hợp và tôn lên bản sắc hiện có. Thành phố có thể bắt đầu bằng việc thí điểm tại một số quận, sau đó mới nhân rộng ra.

“Hiện đã có sẵn nhiều mô hình thực hiện, công nghệ và các hệ thống cây xanh, chiếu sáng tiêu chuẩn, tuy nhiên, khi lựa chọn cần có sự bàn thảo, tham vấn các chuyên gia xem có phù hợp hay không, có rủi ro gì không? Ví dụ như Việt Nam thường xuyên có bão, dông, lốc có thể làm gãy đổ các cây trên tầng 10-20 gây nguy hiểm cho người dân, vậy xây dựng vườn trên cao như Singapore liệu có phù hợp không?, đó là vấn đề cần cân nhắc”, ông Derek phân tích.

Tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho rằng cần chấn chỉnh lại việc quản lý các công viên, theo hướng “bung nhưng lại khép”, thay vì “khép nhưng lại bung” như hiện nay.

“Phải biến các công viên trở thành trung tâm văn hoá, bảo tàng, câu lạc bộ, khuyến khích các hoạt động thể thao, văn hoá, du lịch… miễn là phục vụ cộng đồng, chứ không phải quản lý theo tư duy cũ, hạn chế sự phát triển theo hướng đa chức năng nhưng thực tế lại buông lỏng, để nhiều hoạt động, sự kiện phản cảm, không hướng tới cộng đồng diễn ra tại các công viên”, Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan nhấn mạnh.

Cũng theo ông Hoan, giải toả quỹ đất làm công viên là vấn đề rất khó do chính sách bồi thường công cộng không cao, nguồn vốn ngân sách lại hạn chế, trong khi tư nhân lại chưa thể tiếp cận được. Vì vậy, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân tham gia cải tạo các công viên cũ, phát triển công viên mới, hoặc đầu tư tạo thêm giá trị cho cư dân trong khu dân cư của họ bằng cách xây dựng các mảng xanh.

Với chiếu sáng đô thị, hợp tác công-tư cũng là phương thức Thành phố thực hiện trong thời gian tới, ưu tiên chiếu sáng các công tình kiến trúc, lịch sử, bảo tàng, khuyến khích các doanh nghiệp khi lập các khu đô thị có đề án chiếu sáng các công trình điểm nhấn.

Thời gian tới, Thành phố sẽ hoàn thiện đề án phát triển công viên, cây xanh và hệ thống chiếu sáng, từ đó, xác định các công trình ưu tiên để triển khai ngay.

Thu Lê

Top