‘Sáng tạo trong tầm tay’: Cơ hội cho start-up ‘yếu thế’

14/05/2019 8:19 PM

(Chinhphu.vn) - Rất nhiều nông dân đã làm được không ít sản phẩm thành công trên thực tế, nhưng các dự án ấy lại khó đáp ứng đủ điều kiện để “chen chân” vào các vườn ươm doanh nghiệp, và cũng khó mà được các nhà đầu tư “để mắt” tới. “Sáng tạo trong tầm tay” năm 2019 vì thế được kỳ vọng là nơi mở thêm cơ hội mới cho những người khởi nghiệp “chân lấm tay bùn”.

Ảnh minh họa
‘Bệ phóng’ mới cho start-up nông nghiệp

Cục Công tác phía nam (Bộ KH&CN) cùng Sở KH&CN tỉnh Bình Dương vừa phát động cuộc thi “Sáng tạo trong tầm tay” năm 2019 cho lĩnh vực nông nghiệp vùng Đông Nam Bộ.

Đây là cuộc thi nhằm phát huy giá trị sản phẩm nông nghiệp vùng Đông Nam Bộ thông qua các ứng dụng, giải pháp, mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, có tính đột phá, có tiềm năng phát triển; xây dựng mạng lưới liên kết giữa các tổ chức, cá nhân trong sản xuất nông nghiệp; chuyển tải thông điệp về giải pháp, chính sách hỗ trợ, khuyến khích start-up tới các cơ quan quản lý nhà nước. Qua đó, thúc đẩy sự phát triển chung của cả khu vực Đông Nam Bộ.

Đối tượng có thể dự thi là các tổ chức, cá nhân có những giải pháp, mô hình đã được ứng dụng trong nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhà tổ chức cuộc thi nhấn mạnh khuyến khích các dự án/sản phẩm có ứng dụng công nghệ thông tin và số hóa phục vụ chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp (các phần mềm chỉ dẫn địa lý, mô phỏng điều kiện môi trường dự báo cho canh tác nông nghiệp…).

Những mô hình có tính lan tỏa cao trong cộng đồng, mang tính liên kết vùng cũng được khuyến khích (liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa các địa phương, hợp tác doanh nghiệp-nhà nước)…

TS. Phạm Xuân Đà, Cục trưởng Cục Công tác phía nam nhấn mạnh: Cuộc thi còn nhắm đến mục tiêu cổ vũ cho các start-up “yếu thế”, đặc biệt là nông dân - những người rất giỏi triển khai, đúc kết thực tiễn và cải tiến sản xuất, nhưng lại khá “mờ mịt” về quản trị, tài chính hay mô hình kinh doanh.

“Có rất nhiều nông dân đã tự làm được không ít sản phẩm khá thành công trên thực tế, nhưng các dự án ấy lại rất khó đáp ứng đủ điều kiện để ‘chen chân’ vào các vườn ươm doanh nghiệp, và tất nhiên cũng khó mà được các nhà đầu tư ‘để mắt’ tới. Chúng tôi muốn có một cuộc thi mang đến sự đánh giá nhất định với những dự án như vậy. Ít ra sau cuộc thi này, dù không giành được giải thưởng thì các nhà khởi nghiệp ‘chân lấm tay bùn’ cũng có dịp cọ xát và nhận ra cần phải bổ khuyết thêm những gì cho sản phẩm của mình”, ông Phạm Xuân Đà chia sẻ thêm.

‘Đánh thức’ sự quan tâm đầy đủ cho start-up

“Sáng tạo trong tầm tay” năm 2019 không phải là một cuộc thi nhằm lôi kéo sự tham gia “rầm rộ” của các lực lượng quỹ đầu tư, hay những nhà khởi nghiệp đã “thạo việc”, hoặc nhằm tìm kiếm những sáng tạo phi thường, tiên phong. Cuộc thi đặt ra định hướng ban đầu là “đánh thức” sự quan tâm đầy đủ của các nhà quản lý ngành khoa học công nghệ, nông nghiệp và thương mại ở các địa phương đối với những người khởi nghiệp. Qua đó, tạo ra động lực thúc đẩy sự chuyển động mạnh mẽ hơn trong tư vấn, hỗ trợ start-up, trước tiên là từ chính ngành khoa học công nghệ và chính quyền địa phương.

Từ đây, đội ngũ những người làm quản lý nhà nước chuyên ngành sẽ giúp người dự thi hoàn thiện hồ sơ; đánh giá ưu khuyết điểm ban đầu của dự án; có những khen thưởng, động viên hay góp ý, điều chỉnh kịp thời để khuyến khích các ý tưởng sáng tạo, nhất là ý tưởng từ những người vẫn còn khá lạ lẫm với thương mại hóa sản phẩm như các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà quản lý, sinh viên, nông dân…

Cũng không nhằm mục đích tìm kiếm chủ nhân cho các giải thưởng, cuộc thi dự kiến sẽ mang đến những hỗ trợ thực tế cho một lượng start-up nhất định vào đến bán kết. Theo đó, các ứng viên ở vòng này sẽ được đào tạo bởi nhiều chuyên gia về xây dựng dự án, ứng dụng công nghệ vào quản trị, đăng ký sở hữu trí tuệ để tránh “dẫm lên chân người khác” hoặc bị người khác “đạo văn”…

Sau cuộc thi, ngành khoa học công nghệ sẽ tạo điều kiện kết nối những dự án được vinh danh tới các doanh nghiệp lớn, các nhà đầu tư có quan tâm.

Trách nhiệm “cầm cân nảy mực” cho “Sáng tạo trong tầm tay” năm 2019 sẽ do đại diện của những người làm công nghệ lẫn các bên ứng dụng công nghệ nắm giữ. “Chúng tôi cam kết sẽ có một hội đồng giám khảo đảm bảo tính khoa học, tính thực tiễn, tính quản lý nhà nước và có thể giúp sản phẩm, ứng dụng tiếp cận được với thị trường”, Cục trưởng Cục Công tác phía nam khẳng định.

Ở cuộc thi năm nay, ý kiến từ cộng đồng ở góc độ người tiêu dùng chưa được đề cập đến trong cơ cấu đánh giá một dự án/sản phẩm. Tuy nhiên, ở các năm tới, thông qua kênh tương tác do Ban Tổ chức thiết lập, tiêu chí này sẽ được đưa vào với trọng số đáng kể.

Kênh thông tin ấy (www.sangtaotrongtamtay.vn) do vậy đang được xây dựng như một diễn đàn không chỉ dành cho cuộc thi mà còn nhằm tạo thêm không gian quảng bá cho các hoạt động đổi mới, sáng tạo nói chung sau này.

Dự án/sản phẩm tham gia “Sáng tạo trong tầm tay” năm 2019 sẽ trải qua 3 vòng thi gồm: Vòng sơ kết (hồ sơ dự thi gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện về Ban Tổ chức cuộc thi tại Sở KH&CN các tỉnh vùng Đông Nam Bộ từ nay đến hết tháng 6/2019, hoàn thành vòng sơ kết cuối tháng 7/2019), vòng bán kết (các hồ sơ được xét duyệt và đánh giá tại Cục Công tác phía nam đến hết ngày 20/7/2019), vòng chung kết (dự án được đánh giá, bình chọn, tham gia thuyết trình trước hội đồng giám khảo và được trao giải tại Bà Rịa-Vũng Tàu, dự kiến vào tháng 9/2019).

Đây phải là những sản phẩm/dự án chưa từng đạt giải ở các cuộc thi quy mô cấp vùng hoặc cao hơn.

Cuộc thi sẽ trao 1 giải nhất (50 triệu đồng), 2 giải nhì (20 triệu đồng/giải), 3 giải ba (10 triệu đồng/giải) và 9 giải khuyến khích (3 triệu đồng/giải).

Phương Hiền

Top