‘Sự hài lòng của người dân quyết định thành bại của hệ thống hành chính’

03/07/2019 3:18 PM

(Chinhphu.vn) - Cơ chế đánh giá hài lòng của người dân góp phần thực hiện cơ chế chính trị theo tinh thần “người dân làm chủ”. Khi người dân không hài lòng phải suy nghĩ đến trách nhiệm của Đảng, chính quyền. Cần coi sự hài lòng của người dân là thước đo phục vụ, là sự quyết định sự thành bại của hệ thống hành chính, chính trị.

Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Huyền Trâm

Đây là khẳng định của Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân tại Hội nghị sơ kết triển khai thử nghiệm hệ thống đánh giá hài lòng với việc tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả hồ sơ trên Cổng dịch vụ công Thành phố và hệ thống một cửa điện tử theo Nghị định 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ do UBND TPHCM tổ chức, chiều 2/7.

Theo báo cáo của Văn phòng UBND TPHCM, qua triển khai thí điểm tại 3 quận, huyện và 9 xã phường trên địa bàn Thành phố, tổng số hồ sơ tiếp nhận là 330 hồ sơ, số lượng đánh giá hài lòng là 315 lượt.

Hệ thống được nhân dân đánh giá cao trong bước chuyển biến về giải quyết thủ tục hành chính và các nhóm thủ tục liên thông, giúp dễ dàng tra cứu tình trạng hồ sơ, được nhận thông tin về tình trạng hồ sơ qua tin nhắn điện thoại hoặc email cá nhân một cách kịp thời, tăng cường công khai minh bạch và thuận tiện trong giải quyết thủ tục hành chính. Kết quả cũng ghi nhận khi triển khai thử nghiệm hệ thống số lượng người dân quan tâm, tham gia đánh giá nhiều hơn so với trước đây.

Ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi cho biết, từ ngày 21-29/6, UBND huyện tiếp nhận 116 hồ sơ qua hệ thống một cửa điện tử. Trong đó thủ tục cấp giấy phép xây dựng mới đối với nhà ở riêng lẻ là 74 hồ sơ; thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận hộ kinh doanh, đăng ký thuế là 42 hồ sơ. Hệ thống tiếp nhận được 16 lượt hồ sơ đánh giá hài lòng cho 2 loại thủ tục này.

Ba đơn vị xã thí điểm của huyện tiếp nhận được 31 hồ sơ qua hệ thống một cửa điện tử, trong đó thủ tục đăng ký cấp giấy khai sinh, thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi là 28 hồ sơ; thủ tục khai tử, xoá thường trú là 3 hồ sơ. Qua đó tiếp nhận được 20 ý kiến đánh giá hài lòng.

Đạt được những kết quả ban đầu, tuy nhiên, ông Dũng cho biết nhiều người dân chưa có tài khoản thư điện tử nên chưa thực hiện được đăng ký hồ sơ trên hệ thống, một số công chức chưa quen với các thao tác mới nên còn gặp khó khăn trong xử lý hồ sơ.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến, nhiều quận, huyện, sở ngành báo cáo mức độ hài lòng tới 97-98% nhưng thực ra chỉ khảo sát được trên 26-27% người dân thì chưa thể kết luận toàn diện, chính xác. Bên cạnh đó, 1 năm toàn Thành phố xử lý lên tới 14 triệu hồ sơ, trung bình 14.000 hồ sơ/giờ thì chỉ cần 1% chưa hài lòng cũng là con số rất lớn. Vì vậy, cần đánh giá sự hài lòng toàn diện hơn nữa, bảo đảm 100% người dân tham giá đánh giá.

Đáng chú ý, là một đơn vị chưa triển khai thí điểm nhưng lại vận động được gần 100% người dân tham gia đánh giá hài lòng, ông Dương Hồng Thắng, Chủ tịch UBND Huyện Hóc Môn chia sẻ: “Ý kiến đánh giá mức độ hài lòng của người dân khi thực hiện thủ tục hành chính là rất quan trọng đối với chúng tôi, vì vậy huyện vận động người dân đánh giá rồi mới tiếp nhận hoặc trả hồ sơ. Qua 2 tháng triển khai hệ thống, có hơn 2.000 trường hợp đánh giá hài lòng, chiếm 98%”.

Bên cạnh đó, tất cả thông tin về đánh giá hài lòng cũng được được công khai trên ứng dụng Hóc Môn trực tuyến để người dân có thể nắm bắt được tỷ lệ hài lòng của từng cơ quan, đơn vị. “Chúng tôi kỳ vọng trong thời gian sắp tới người dân không chỉ đánh giá hài lòng về thủ tục hành chính mà còn đánh giá những nội dung phản ảnh trên ứng dụng này”, ông Thắng cho biết.

Huyện cũng cho phép người dân chụp ảnh hồ sơ và nộp trực tuyến qua điện thoại thông minh, để khắc phục những nhược điểm của việc nộp từ máy tính như phải biết sử dụng máy tính, có máy scan để scan hồ sơ.

Huyện Hóc Môn cũng đang tính toán đến việc thiết kế thiết bị chụp ảnh lại toàn bộ hồ sơ ngay khi người dân nộp, sau đó sử dụng cơ chế liên thông để chuyển hồ sơ giữa các phòng ban, giữa các cấp ngành để tạo thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp.

Theo ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính Văn phòng Chính phủ, TPHCM là thành phố đầu tiên triển khai đánh giá hài lòng theo Nghị quyết 61 của Chính phủ. Trên cơ sở triển khai thí điểm, hệ thống cần sớm được nhân rộng, triển khai đồng bộ trên địa bàn Thành phố, làm được điều này môi trường kinh doanh của TPHCM sẽ có sự cải thiện rõ nét.

Ông Phan thông tin, dự kiến tháng 11, Cổng dịch vụ công quốc gia sẽ kết nối 3 tỉnh, thành phố Hà Nội, TPHCM và Quảng Ninh, cơ bản thực hiện các dịch vụ công cấp độ 3, 4. Đồng thời bày tỏ tin tưởng TPHCM sẽ nhanh chóng thực hiện các công việc cần thiết để kết nối với Cổng dịch công quốc gia.

Tại Hội nghị, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân cho biết, việc đánh giá hài lòng của người dân đã được các quận, huyện thực hiện từ nhiều năm, thể hiện tính chủ động cơ sở nhưng lại không có hệ thống thống nhất, mỗi nơi một sáng kiến, cách làm khác nhau dẫn tới khó khăn trong tích hợp toàn Thành phố. Vì vậy việc xây dựng hệ thống đánh giá này vừa tạo ra sự thống nhất trên địa bàn Thành phố vừa bảo đảm đồng bộ với khung về Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

Bí thư Thành uỷ nhấn mạnh mục tiêu ghi nhận đánh giá nhưng con đường phải số hoá, “không thể giải quyết trên hồ sơ giấy mãi được”, bởi số hoá xong việc lưu chuyển hồ sơ trên toàn hệ thống là rất đơn giản và có thể làm ngay.

Bên cạnh việc đánh giá khâu tiếp nhận, quận huyện phải công bố được thời hạn giải quyết một thủ tục và phân chia thời hạn đó đến từng cán bộ công chức, có phần mềm theo dõi công việc để người dân biết được hồ sơ của mình đang nằm ở giai đoạn nào và có quyền đánh giá công chức đó. Đây cũng là cơ sở để đánh giá công chức hàng tháng, hàng quý, là căn cứ trả thu nhập tăng thêm.

Hệ thống khi được triển khai đồng bộ cho thấy bức tranh từ tổng thể đến chi tiết về tỷ lệ hài lòng của người dân trên toàn Thành phố. Các lãnh đạo quận, phường cũng biết được tỷ lệ của mình so với các đơn vị khác để tiếp tục phấn đấu.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: VGP/Huyền Trâm

Theo Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân, tháng 9 tới, Thành phố sẽ công bố quy trình nghiệp vụ chuẩn của 300 thủ tục phường xã. Song song đó tiếp tục nghiên cứu và đưa ra quy trình nghiệp vụ của 1.500 thủ tục thuộc các sở ngành và Thành phố vào cuối năm.

Để bảo đảm hệ thống thuận tiện cho người dùng, Bí thư Thành uỷ đề nghị cần có những cuộc họp, trao đổi giữa các đơn vị thử nghiệm với các quận huyện khác đã làm vấn đề số hoá, cùng với các đơn vị tư vấn, đưa ra cách làm, phân tích điểm mạnh yếu để thống nhất được nếu xây dựng một phần mềm dùng chung phải đáp ứng tiêu chí gì? Phân loại bao nhiêu mức hài lòng? Phương thức số hoá như thế nào?… trên tinh thần “công nghệ hiện đại nhất nhưng phải dễ dùng nhất”. Sắp tới, Thành phố cũng sẽ chọn thí điểm triển khai ở một số sở, ngành để chuẩn hóa các bộ thủ tục hành chính trong năm 2019.

“Cơ chế đánh giá hài lòng của người dân góp phần thực hiện cơ chế chính trị theo tinh thần ‘người dân làm chủ’. Khi người dân không hài lòng phải suy nghĩ đến trách nhiệm của Đảng, chính quyền. Cần coi sự hài lòng của người dân là thước đo phục vụ, là sự quyết định sự thành bại của hệ thống hành chính, chính trị”, Bí thư Thành uỷ NguyễnThiệnNhân khẳng định.

Thu Lê

Top